Tuesday, November 25, 2014

Tìm hiểu về hòn non bộ

Hòn non bộ hay tiểu cảnh sân vườn là thú chơi cảnh vật thiên nhiên, tạo niềm vui tâm hồn.
Non bộ còn được gọi là "núi giả" (giả sơn) hay "bồn cảnh", vì thông thường khi nào tạo non bộ cũng dựng trên bể nước (nước lưu thông hoặc nước đứng).
Người xưa hướng về việc dựng non bộ chẳng chỉ vì hình thái kết tinh của hòn đá với óc thẩm mỹ của họ, mà còn có ý nghĩa thần linh nữa. Những người chơi non bộ, chơi đá thích những loại đá vôi ở gần bờ, bị sóng gió dập vùi lâu ngày thành có lỗ, có bọng, ngấm nước đóng rêu hơn là viên đá tròn trịa.

Thông thường khi dựng hòn non bộ phải trải qua 3 giai đoạn:
1. Chọn đá thích hợp cho thể tài của mình đã phác họa và xây dựng một hình thế đẹp và hợp với nội dung non bộ.
2. Phải trồng và sửa cây cho tương xứng
3. Gắn những hình tượng bé để diễn tả một sự tích nào đó như đã hoạch định.
Trước hết là vấn đề chọn đá. Đá phải là một thứ đá vôi hút nước, có hình thể nhất định. Trong thực tế, để diễn tả cho đúng sự thật thì non bộ thường là những đỉnh núi cao chót vót với những tảng đá nhô ra, có gân dọc trên vách đá dựng đứng, bên cạnh những hố sâu thăm thẳm, có hang, có động, tất cả đều nói lên vẻ lớn lao, nguy nga với con người.
Người chơi non bộ thường phải chọn hòn đá nào hợp với kích thước nhỏ bé, mà lại có đủ dáng dấp và chi tiết như thế (núi, hố, hang, động). Phải ghép nhiều mảnh lại mới được.
Trong thể loại điêu khắc này, người ta không cần thiết đục đá theo hình dáng đã định trước vì chúng có thể làm mất vẻ tự nhiên và mặt đá mà chắc nịch thì cỏ cây, rêu xanh khó mọc lên được.

Các thế hòn non bộ
Muốn bố cục cho đẹp, nghệ nhân phải theo những nguyên tắc căn bản của nghệ thuật tạo hình, tức là toàn bộ phải chặt chẽ, có trọng tâm, cân đối, có gần, có xa. Phải có chủ thể và khách thể. Chủ thể làm điểm chính; khách thể để phụ hoạ. Núi cao dùng làm chủ thể, núi thấp ở xa làm khách thể, tạo nên phép viễn cận. Thiền phái Nhật lại còn đề ra những khoảng trống hư vô. Tuy là trống nhưng thể hiện nhiều điều.

Cây và non bộ
Cây trồng tạo cho non bộ gần với sự thật vì vậy cần chọn cây tương ứng với non bộ. Trong quá trình cấu tác non bộ được đẹp, độc đáo, điểm chủ yếu là trồng cây, cắt xén, gắn tượng. Tất cả tạo nên nội dung của đề tài.
Việc trang điểm này chẳng khác là khoác y phục cho con người. Bí quyết đầu tiên về cây trồng cho non bộ là thuật làm cho cây bé nhỏ, cân xứng với kích thước của non bộ. Một cây nhỏ trong non bộ biểu hiện cho cây cổ thụ trong thực tế. Giảm chiều cao để nở chiều rộng, để cho cây không quá trẻ trung, non dại quá. Phải biết kỹ thuật trồng sửa cây cảnh, chọn cây có lá nhỏ bé, dáng đẹp, thân uốn, sao cho thích hợp với toàn cảnh.
Những cây thường trong non bộ là: La hán tùng, bách xỉ tùng, trắc bá diệp, cây si, cây sung, bạch đầu ông, hổ nhĩ, thạch xương bồ, trân châu thảo, trường sinh, phượng vĩ, sa kê, dương liễu, ngự sử mai, trúc nhĩ, thủy tùng trúc, thiên vân, xương rồng, bông nổ, kê ốc, hồng tỷ muội, rong cẩm vân, xương cá, cây sến. Những cây này có hình dáng đẹp mà có thể sống dễ dàng trên khe đá. Những loại cây trồng trên non bộ thay đổi tùy theo phong thổ của từng vùng. Sự chọn lựa cây trồng non bộ cũng tùy thuộc vào sở thích của nghệ sĩ và nội dung của non bộ được đề ra, dựa theo hình dáng của đá.



No comments:

Post a Comment

Designed By Huongdv